Thi bằng lái xe ở Mỹ dễ hay khó ?

“Mỗi người dân Mỹ dành quá nửa cuộc đời cho việc ngồi sau vô lăng. Ở Mỹ hệ thống giao thông công cộng hiện đại phục vụ 24/24h và ô tô là phương tiện cá nhân chính khiến bạn có thể chủ động trong mọi công việc”, một người bạn Mỹ đã nói với tôi như vậy khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến đất nước này.

634903921560590000 Thi bằng lái xe ở Mỹ dễ hay khó ?

Thi lấy bằng lái xe ở Mỹ không quá khó!

Quả thật, lúc nào tôi cũng có cảm giác 24 giờ/ngày là quá ít khi hòa nhập với cuộc sống Mỹ, bởi ngoài những việc đã sắp xếp trong ngày, thời gian còn lại đều dành để di chuyển. Quyết định học lái xe của tôi đến sau lần vì quá mệt nên ngủ quên trên tàu điện ngầm. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ sau tôi mới được một người bạn đưa về trong tình trạng vừa đói, vừa lạnh. Và ngay hôm sau, tôi đã lên kế hoạch thi lấy bằng lái xe và tậu cho mình một chiếc “tàng tàng” để có thể chủ động trong mọi việc.

Nơi tôi sống thuộc bang California nên sách hướng dẫn thi lái xe có cả tiếng Việt. Phí thi lấy bằng là 20 USD. Lý thuyết là phần thi bắt buộc đầu tiên. Để qua được phần thi này tôi đã phải mang cuốn sách Luật Giao thông bên mình để có thể ghi nhớ bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Phần thi lý thuyết có hai sự lựa chọn là thi trên giấy hoặc trên hệ thống máy tính. Đây là phần thi khá dễ và nhanh chóng nhưng rất nghiêm túc thông qua phương pháp thi trắc nghiệm không khống chế về thời gian. Tất cả thủ tục này tôi đều phải đăng ký thi trên hệ thống máy vi tính trong trang web của California Department of Motor Vehicle – DMV.

Nếu biết tiếng Anh và có kiến thức tốt về Luật Giao thông của Mỹ bạn có thể nhanh chóng hoàn thành bài thi vì chỉ cần trả lời đúng 70% đáp án. Bài thi gồm 30 câu hỏi, máy vi tính sẽ tự động ngừng lại và báo cho bạn biết rằng đã vượt qua kỳ thi viết. Nếu hoàn toàn không biết tiếng Anh, bạn có thể đăng ký thi vấn đáp có thông dịch, cách thi này dễ dàng vượt qua nhất. Tôi chọn thi trên hệ thống máy vi tính và thật may mắn tôi đã không bị trượt vòng này. Nhờ vượt qua kỳ thi viết tôi được lấy bằng lái xe tạm thời (permission paper). Tấm bằng này có giá trị trong vòng 1 năm, trong thời hạn đó tôi phải đến thi thực hành. Tuy nhiên, nếu không lấy bằng lái tạm thời thì trong vòng 3 tháng tôi phải đến thi thực hành, nếu không sẽ phải thi lại lý thuyết. Với bằng lái xe tạm thời, tôi được phép lái xe với điều kiện phải có người đã có bằng lái ngồi bên cạnh.

Vượt qua kỳ thi viết, tôi có thể đăng ký thi sát hạch tay lái bất kỳ lúc nào nếu đủ tự tin lái xe trên đường với vị giám khảo ngồi cạnh bên. Vấn đề là phải thể hiện cho giám khảo thấy được khả năng điều khiển chiếc xe và quan sát giao thông trên đường. Vượt qua kỳ thi thực hành, sẽ được cấp bằng lái tạm thời để điều khiển xe và khoảng 1 tuần sau bằng lái chính thức sẽ được gửi đến địa chỉ mà tôi đăng ký. Bằng lái xe tại California có thời hạn trong vòng 4 năm, sau khi hết hạn sẽ phải thi lại hoặc gia hạn.

Đăng ký chủ quyền xe, mua bảo hiểm là bắt buộc

Nếu mua xe mới, bạn không phải làm bất cứ điều gì vì mọi thủ tục đăng ký chủ quyền đều được chủ cửa hàng hoàn tất. Trường hợp mua xe đã qua sử dụng, bạn phải đăng ký chủ quyền ngay để tránh trường hợp khi vi phạm Luật Giao thông và bị Cảnh sát giao thông “hỏi thăm”. Thủ tục thay đổi chủ quyền xe cũng rất đơn giản, chỉ cần mang giấy chủ quyền của chủ cũ chiếc xe có chữ ký của người mua, kèm theo bằng lái, đóng thuế là xong. Việc đăng ký chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút. Từ 1 đến 2 tuần sau ngày đăng ký, giấy chủ quyền xe sẽ gửi về địa chỉ bạn đăng ký.

Bạn nên đề nghị thay đổi bảng số xe mới để tránh trường hợp cảnh sát nghi lầm bạn là chủ xe cũ và “quan tâm” bạn hơn nếu chủ xe cũ đã từng sử dụng xe này gây tai nạn vì tất cả những vi phạm của người lái xe đều được ghi vào hệ thống vi tính quản lý của Chính phủ Liên bang. Cảnh sát tuần tra giao thông ở Mỹ được trang bị máy vi tính hiện đại trên xe, khi phát hiện bạn vi phạm Luật Giao thông thì bảng số xe, tên của bạn có kèm lý lịch tham gia giao thông sẽ được lưu ngay vào máy vi tính của họ.

Ở Mỹ, mua bảo hiểm xe là điều bắt buộc. Giá trị bảo hiểm tùy vào giá trị của xe, nhưng giá bình quân cho 1 xe hơi bình thường thì khoảng vài trăm USD cho 1 năm. Nếu có bảo hiểm xe thì mới được phép sử dụng xe. Lần đầu tiên mua bảo hiểm thường đắt, phụ thuộc vào loại xe, tuổi đời và giới tính của người lái, phụ nữ được mua rẻ hơn nam giới. Số tiền đóng bảo hiểm sẽ giảm dần, tỷ lệ nghịch với tuổi. Nhưng cũng có thể sẽ tăng nếu như bạn bị cảnh sát bắt vì phạm luật và ghi vé phạt. Bạn chỉ có thể mua bảo hiểm sau khi đã có bằng lái tạm thời.

Người Mỹ nói là làm!

Có lẽ ấn tượng nhất với tôi hơn cả là hệ thống giao thông của . Xa lộ của họ ở khắp mọi nơi trong thành phố. Các xa lộ nối dài với các tiểu bang và cả theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Xa lộ nào cũng có hai chiều với 16 làn xe chạy. Ngoài ra, câu nói “Người Mỹ nói là làm” chính xác đến từng chi tiết nhỏ, những luật lệ ở đây lạnh lùng nhưng đủ để mọi người phải chấp hành, vi phạm rồi là không giải thích, năn nỉ hay đôi co. Những điều này tạo nên một nếp sống hiện đại và một trật tự xã hội khá công bằng.

Hệ thống giao thông ở Mỹ được người dân tuân thủ tuyệt đối. Trên những giao lộ luôn có bảng chỉ dẫn cho những trường hợp cụ thể như: giảm tốc độ phía trước là trường học… Những lúc trong thành phố có đèn vàng chớp chớp đó là tín hiệu trẻ em đang đi đến trường học, tốc độ lái xe tối đa là 30 hay 35 Mph (khoảng 50km/h) nhưng khi đèn vàng chớp liên tục thì chỉ được chạy tối đa 20 Mph. Nếu cảnh sát bắt gặp bạn chạy quá tốc độ, bạn sẽ bị ghi vé phạt là 1.000 USD. Nếu có trẻ em đang đi trên vỉa hè đúng lúc đó, cảnh sát sẽ còng tay bạn bắt về trạm cộng thêm 1.000 USD tiền phạt. Những ngày nghĩ lễ như Ngày độc lập 4-7, trên các đường cao tốc cảnh sát của tiểu bang đứng ngoài đường để phạt những nguời chạy quá tốc độ quy định, họ dùng radar hay laser, thậm chí cả máy bay để kiểm soát vận tốc phương tiện trên đường.

Cảnh sát giao thông luôn sẵn sàng giúp đỡ

Khi đang đi trên đường, nếu xe hết xăng bạn chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi 911, Cảnh sát giao thông sẽ định vị được nơi bạn gọi và lập tức đến giúp bạn ngay bằng cách tiếp nhiên liệu cho xe của bạn 1 gallon xăng (tương đương với 4 lít xăng theo định lượng Việt Nam) và chỉ cho bạn cây xăng gần nhất. Nếu xe của bạn bị chết máy họ cũng sẽ giúp bạn khắc phục bằng cách sửa xe giúp hoặc kéo xe của bạn về garage.

Ngoài chức năng quan sát giao thông, xác minh các vụ tai nạn… Cảnh sát giao thông ở Mỹ còn kiêm luôn các công việc giúp đỡ, khiến người tham gia giao thông yên tâm hơn khi thấy bóng dáng họ xuất hiện. Ở các con đường xuyên bang hầu như đều có nhiều khu dành cho người đi đường dừng chân nghỉ ngơi với các dịch vụ phục vụ miễn phí như: cà phê và nước lọc, bản đồ đi đường, nhà vệ sinh… Nhân viên ở đây phục vụ miễn phí và nụ cười luôn thường trực trên gương mặt.

Mặc dù cơ sở hạ tầng ở Mỹ khá hiện đại, song có một điều dễ thấy là cuộc sống ở đây được sắp đặt bài bản, chính xác, giờ nào làm việc nấy như được lập trình sẵn từ ngàn đời. Một nơi như thế chỉ thích hợp cho việc học, còn nếu đi chơi thì chỉ nên ghé thăm và nếu để sống thì tôi thích được sống ở Hà Nội của mình hơn: bụi bặm một chút, tắc đường một chút nhưng luôn huyên náo, vui tươi và luôn giúp người ta tìm được chỗ cho mình…

Ngọc Bảo

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>