Chuyện kể từ một chuyến đi đến đất Mỹ

có những ứng xử phi nguyên tắc nhưng nó lại chứa đựng một nguyên tắc tối quan trọng, đó là nguyên tắc của sự lắng nghe, của sự chia sẻ, của sự tôn trọng và tình người.

Cho đến bây giờ, dẫu biết rằng, tôi sẽ chẳng có trục trặc gì khi xin visa vào Mỹ, nhưng mỗi lần có người thân đến phòng lãnh sự Mỹ phỏng vấn visa, tôi vẫn mang một cảm giác lo lo. Mấy năm trước, tôi đưa con trai đi cùng trong chuyến đi dự hội thảo ở Mỹ năm 2007. Khi bước vào phòng lãnh sự, tôi thấy sự hoang mang trên gương mặt chàng trai trẻ. Sau này, chàng trai nói với tôi là cậu sợ khi nhìn thấy một poster treo trên tường với hình ảnh một người đàn ông đứng sau hàng rào dây thép và dòng chữ Nếu bạn nói dối một lần thì cánh cửa trước bạn sẽ đóng lại vĩnh viễn. Chữ bạn là do tôi dịch. Còn con trai tôi dịch là: Nếu ngươi…. Cách chọn từ của con trai tôi đã lột tả đúng tâm trạng của cậu và tôi tin nó cũng đúng với tâm trạng của không ít người lần đầu tiên phỏng vấn visa Mỹ.

Đứng về nguyên tắc sống và luật pháp, tôi ủng hộ nội dung câu nói đó. Nhưng tôi thấy nước Mỹ đâu cần phải treo một poster như vậy trong căn phòng ấy bên cạnh ảnh của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ…Vì theo tôi, đó là những hình ảnh đầu tiên về “lãnh thổ” nước Mỹ. Tại sao ở đó không treo những bức ảnh về văn minh với một thiên nhiên lộng lẫy hoặc hình ảnh của các nhà văn, nghệ sỹ danh tiếng, những ngôi sao thể thao, điện ảnh, âm nhạc… mà nhiều người Việt Nam đã biết đến và yêu mến.

634921010612651709 Chuyện kể từ một chuyến đi đến đất Mỹ
Lá thư của Thượng nghị sỹ John Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ gần 7 năm về trước

Tôi đã từng đến phòng lãnh sự của một số nước Châu Âu, nơi mà quả thực xin visa với nhiều người Việt Nam không một chút dễ dàng. Nhưng trong phòng phỏng vấn visa, tôi chỉ thấy những bức ảnh đẹp giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa của họ. Chắc chắn trong hàng ngàn, hàng vạn người phỏng vấn visa sẽ có người nói dối về một điều gì đó. Và trong những lời nói dối của họ sẽ có những lời nói dối đáng yêu và chẳng tội lỗi gì mà chỉ bởi một nỗi hoang mang mơ hồ nào đó. Tất nhiên con trai tôi không phải nói dối điều gì. Nhưng trong tâm hồn trong sáng của cậu thì hàng rào dây thép và lời cảnh báo đầy tính đe dọa không phải là nhắm vào cậu cũng vẫn làm cho cậu hoảng sợ.

Và trong một lần thuyết trình ở Trung tâm Hoa Kỳ, tôi đã nói về cảm giác ấy. Nước Mỹ không cần làm điều đó vì để phát hiện ai đó nói dối là nhiệm vụ của các nhân viên lãnh sự Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sức mạnh chinh phục một cách thực sự của bất cứ quốc gia nào là sức mạnh của những vẻ đẹp văn hóa và nhân văn. Nhưng đến năm 2009, tôi bước vào phòng lãnh sự Mỹ và không thấy bức poster đó nữa. Có lẽ, không chỉ mình tôi mà nhiều người khác bằng một cách trực tiếp hay gián tiếp đã nói tới các nhân viên Sứ quán Hoa Kỳ cảm giác ấy. Hoặc có thể các nhân viên phòng lãnh sự cũng nhận thấy tấm poster đó thật vô lý và chẳng có hiệu quả gì ngoài việc làm cho một số người hoang mang, lo sợ về một điều gì đó từ nước Mỹ mà họ chưa hiểu được.

Những năm gần đây, việc cấp visa cho người Việt Nam vào Mỹ đã mở rộng rất nhiều, đặc biệt là visa cho sinh viên và nhất là đối với những sinh viên đã được cấp visa trước đó và về Việt Nam nghỉ hè. Những sinh viên này chỉ cần gửi hồ sơ qua đường bưu điện mà không phải phỏng vấn nữa. Sự đổi mới này làm cho cái nhìn của những người trẻ và thân nhân của họ thấy nhẹ nhõm và thấy nước Mỹ gần gũi hơn với họ. Tôi còn nhớ khi bà Hilary Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ, văn phòng của bà đã gửi thư cho những người Việt Nam đã đến Mỹ theo chương trình của Chính phủ Mỹ. Nội dung bức thư đó là mời những người đó hãy nói cho Bộ Ngoại giao Mỹ biết những gì trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam mà Chính quyền Mỹ cần thay đổi. Họ cũng đề nghị những người họ gửi thư hãy cho họ biết họ cần phải làm gì để quan hệ Mỹ – Việt được tốt nhất. Bức thư cũng nói rõ nếu người góp ý ngại ngùng điều gì thì có quyền ẩn danh và sự ẩn danh đó được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn trọng.

634921010608191709 Chuyện kể từ một chuyến đi đến đất Mỹ
Vỉa hè thành phố Boston

Trước kia, có một thực tế là: rất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng quan hệ ngoại giao Mỹ và Việt Nam là một quan hệ bị phía Mỹ áp đặt. Ngoại giao như thế một số người gọi là ngoại giao độc tài mà lúc này trên thế giới vẫn có những quốc gia thực hiện chính sách ngoại giao độc tài đó. Nhưng qua cách làm của bà Hilary Clinton, tôi nhận thấy nước Mỹ đang lắng nghe các đối tác của mình để có thể phát triển quan hệ của mình với các quốc gia khác một cách tốt nhất. Đó là sự tôn trọng các quốc gia có quan hệ với Mỹ. Và đó cũng là cách tốt nhất mà Mỹ hay các quốc gia phải làm nếu họ muốn hình ảnh của đất nước họ hiện ra ấn tượng trước mắt các quốc gia khác.

Năm nay, tôi đưa vợ tôi đến Mỹ để thăm hai con tôi đang theo học ở đó. Và cũng để vợ tôi biết đến một đất nước mà tôi đã có biết bao kỷ niệm vui buồn trong hơn 20 năm qua. Và khi đưa vợ tôi đến phòng lãnh sự Mỹ, tôi lại mang cảm giác lo lắng và không dám tin 100% rằng vợ tôi có thể được cấp visa. Tại sao tôi lại không dám tin? Vì nếu vợ tôi đến Mỹ cùng tôi thì gia đình tôi đã có mặt ở Mỹ đầy đủ. Lúc đó, nếu tôi muốn định cư ở Mỹ thì tôi không phải lo sợ hay dày vò bởi một thành viên nào đó trong gia đình nhỏ của tôi phải ở lại.

Tôi vẫn thường nghe nói phía Mỹ sẽ không cấp visa cho toàn bộ một gia đình nào đó đến Mỹ. Điều đó nghe cũng thật có lý. Thế nhưng vợ tôi được cấp visa mà chẳng phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Nhưng nhân viên phỏng vấn là một phụ nữ đã hỏi tôi một câu. Câu hỏi đó là: “Chúng tôi có gây phiền hà cho ông trong việc cấp visa không?”. Câu hỏi đó làm cho tôi ngạc nhiên không hiểu lý do. Tôi nói với bà rằng cá nhân tôi chưa một lần gặp phiền hà gì trong việc xin visa vào Mỹ cả. Nghe tôi nói, bà cầm một tờ giấy đưa lên và nói với một giọng không vui: “Tôi cứ nghĩ rằng ông thấy chúng tôi gây phiền hà gì đó cho ông nên ông mới nhờ đến ngài Thượng nghị sỹ của chúng tôi viết thư can thiệp”.

Lúc đó tôi mới nhìn rõ tờ giấy ấy. Đó là một lá thư. Người viết lá thư đó là Thượng nghị sỹ John Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ gần 7 năm về trước. Trong thư ông đề nghị phòng lãnh sự Mỹ hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến đi cùng đến Mỹ được thuận lợi. Sau buổi phỏng vấn visa, tôi nghĩ mãi về lá thư đó. Tôi thường nghĩ về nước Mỹ với một cách làm việc đầy nguyên tắc. Và tôi không bao giờ nghĩ một Thượng nghị sỹ, một ứng cử viên Tổng thống Mỹ lại có thể ngồi xuống viết một lá thư xin giúp đỡ cấp visa cho một người Việt Nam vô danh, một người Việt Nam chẳng có một chút cần thiết nào cho nước Mỹ. Không phải vì tôi đã từng đến Mỹ, vì tôi có những người bạn Mỹ thân thiết hay vì các con tôi đang theo học ở đó mà tôi đang nói những điều như vậy về nước Mỹ. Mà bởi những việc cụ thể mà người Mỹ đang sống. Tôi muốn công bằng khi nói về một ai đó.

Tôi nhớ năm 2003, tôi đến Mỹ với học bổng của văn phòng John Kerry. Một trợ lý của John Kerry đã tiếp chúng tôi ở văn phòng của ông ở Washington. Người trợ lý đó đã đề nghị tôi hãy nói cho ông nghe những điều không hay của nước Mỹ mà tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi của tôi. Năm 1993, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Lê Minh Khuê cùng tôi đến New York. Chúng tôi gặp nhà văn danh tiếng Susan Brownmiller. Bà đã đưa chúng tôi đến phố 42. Lúc đó, phố 42 có thể gọi là phố tình dục. Người ta có thể thấy mọi thứ phục vụ cho tình dục được hiển thị ở đó. Bà nói với chúng tôi: “Tôi chỉ cho các anh chị thấy phần tồi tệ của nước Mỹ còn phần đẹp đẽ các anh chị hãy tự tìm lấy”. Susan là nhà văn nổi tiếng với cuốn sách: Thiện chí của chúng ta, đàn ông đàn bà và sự cưỡng hiếp. Ngay trong năm 1993, cuốn sách đó đã mang lại cho bà một triệu đô la tiền nhuận bút.

Trong cuốn sách đó có một chương viết về lính Mỹ cưỡng dâm trẻ vị thành niên ở Miền nam Việt Nam trong chiến tranh như thế nào. Trong thời gian chiến tranh, Susan làm cho một kênh truyền hình Mỹ. Nhưng sau khi phát hiện ra sự nói dối của kênh truyền hình này về cuộc chiến ở Việt Nam, bà đã đập nát tivi và bỏ việc. Susan đã từng đến Việt Nam và bà tuyên bố rằng bà mong Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này không có gái mãi dâm. Trong chuyến đi lần thứ hai đến Việt Nam, bà đã đi từ Hà Nội đến Sài Gòn. Bà quan sát đời sống ở các đô thị. Bà thấy gái mại dâm nhiều hơn lần thứ nhất bà đến Việt Nam. Và bà hoàn toàn thất vọng. Tôi đã đến Mỹ nhiều chuyến và tôi thường được nghe người Mỹ hỏi với câu hỏi giống nhau: “Anh nhìn thấy những điều tồi tệ gì ở nước Mỹ ?”. Một giáo sư của đại học Berkeley nói với tôi: “Người Mỹ mang ơn những ai có khả năng phát hiện ra những sai lầm và những điều tồi tệ của nước Mỹ”. Bởi những phát hiện đó chỉ làm cho nước Mỹ lớn mạnh mà thôi. Có lẽ nước Mỹ trở thành cường quốc bởi chính khả năng nói thật của mình.

Có một câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi trong chuyến đến Mỹ năm 2007. Trong chuyến đi đó, tôi đã bỏ quên một loại giấy tờ vô cùng quan trọng mà nếu không có giấy đó, tôi không thể nhập cảnh vào Mỹ được. Nhưng vì mọi chuyện đã chuẩn bị, tôi cứ phải lên đường. Ở trạm an ninh cửa khẩu sân bay Los Angles, nhân viên an ninh cửa khẩu đã đưa tôi vào phòng an ninh. Họ nói với tôi phải quay về vì thiếu loại giấy tờ đó. Với loại visa của tôi thì visa chỉ quan trọng một nửa, một nửa kia là cái giấy có chữ ký sống của người được cơ quan di trú của Mỹ ủy quyền ký. Tôi không biết nói gì với họ. Lỗi thuộc về tôi.

Trước khi rời khỏi phòng an ninh cửa khẩu để quay lại phòng đợi để trở về Việt Nam, tôi nói với nhân viên an ninh cửa khẩu Mỹ rằng tôi sang Mỹ chỉ để làm một việc là nói về thơ ca và đọc thơ mà thôi. Tôi nói với ông tôi đã in thơ trên hơn 30 tạp chí của Mỹ và xuất bản một tập thơ ở Mỹ. Nghe vậy, ông hỏi tôi tên tập thơ. Sau khi nghe tôi nói về tập thơ, ông cúi xuống gõ máy.

Sau này tôi biết rằng ông đã gõ máy để tìm trên Google hay gì đó để 634921015972911709 Chuyện kể từ một chuyến đi đến đất Mỹ xem tôi có xuất bản tập thơ ở Mỹ thật không. Rôi ông mỉm cười rất kín đáo và hỏi tôi ai là người cùng dịch thơ với tôi. Sau nghi nghe tôi trả lời, ông nói tôi có thể nhập cảnh Mỹ. Tôi đã kể chuyện này cho nhiều người Mỹ và họ không tin nổi là tôi có thể nhập cảnh mà không có cái giấy kia.

Hai mươi năm trước, tôi biết đến một nước Mỹ với sự nghiêm minh của luật pháp, với những nguyên tắc sống khó thay đổi và nhiều khi máy móc. Nhưng bây giờ tôi biết thêm một nước Mỹ khác, một nước Mỹ có những ứng xử phi nguyên tắc nhưng nó lại chứa đựng một nguyên tắc tối quan trọng. Đó là nguyên tắc của sự lắng nghe, của sự chia sẻ, của sự tôn trọng và tình người cho dù ở nước Mỹ đâu đấy vẫn còn những điều thật đau lòng và thật vô lý khi phải nói ra.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>