Thành phố Boston của Hòa giải và Yêu thương

Nhớ lần đầu sang Mỹ (1995), định mua đôi giầy, cậu bạn người Mỹ khuyên, tiền vừa vừa thì nên chọn Bostonian. Cuối tuần rồi (4-11) đến Boston mới biết thành phố này từng là trung tâm sản xuất giầy nổi tiếng của Mỹ từ mấy trăm năm trước. Tôi đùa gọi đây là thủ đô…giầy dép. Washington DC là trung tâm quyền lực của , New York nhộn nhịp suốt ngày đêm bởi đó là thủ đô kinh tế. Santa Fe (New Mexico) ở phương Nam có nền văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật từ ngàn năm thuộc về thủ đô của người da đỏ.

634567664762476647 Thành phố Boston của Hòa giải và Yêu thương
Với hơn 600 ngàn dân nằm trên phía bắc Hoa Kỳ, cách DC hơn 1 giờ bay, Boston – thủ phủ của bang Massachusetts – có lịch sử 400 năm, được gọi là thủ đô của lịch sử, văn hóa, giáo dục và sáng tạo của người da trắng. Dù là nơi đắt đỏ nổi tiếng thế giới nhưng lại đứng thứ 3 tại Mỹ và thứ 37 trên thế giới là nơi đáng sống, Boston còn được mệnh danh là thủ đô tri thức bởi có tới 200 trường đại học, những thư viện chứa đựng tất cả những gì mà nhân loại cần, từ Harvard đến MIT, cùng hàng trăm ngàn sinh viên ưu tú nhất từ khắp thế giới đổ về.

Phố phường cổ kính của giới quyền quí, đan xen cùng sức trẻ của sinh viên và trí tuệ thâm trầm bên dòng sông Charles và vịnh Massachusetts, làm nên tên tuổi Boston. Năm 1630, người Puritan (người theo Đạo Tin lành) đến từ nước Anh xa xôi và xây nên thành phố này. Di sản để lại là một xã hội bền vững về đạo đức, cần cù, ham học hỏi và sáng tạo. Boston từng là thành phố lớn nhất, giàu có nhất và ảnh hưởng nhất nước Mỹ cho tới thế kỷ 18.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đưa tôi đi thăm phố nhỏ Mount Vernon của khu Beacon Hill cổ kính, lối đi còn lát gạch từ thế kỷ trước, nơi có chính khách John Kerry, khu nhà của dòng họ Kennedy, gần đó là nơi ở của Henry Cabot Lodge, đại sứ Sài Gòn thời kỳ 1963-1965. Beacon Hill là một khu đồi cao do một người giầu tên là William Blaxton (Blackstone – rượu vang cùng tên) làm chủ tử ngăm 1625 đến 1635. Sau đó ông bán đất này cho người Puritan.

Qua mấy trăm năm, Beacon Hill vẫn giữ nguyên dáng vẻ như xưa. Nhà cửa còn lại từ thế kỷ trước có giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đô la. Hàng rào sắt còn nhiều bảng hiệu đề tên của những người chủ nổi tiếng từng sống ở đó, từ giáo sư, văn nghệ sỹ, chính khách và thương gia giầu có. Mình đùa, anh Tuấn ở đây lâu, Boston sẽ gắn biển “Tại ngôi nhà này, Nguyễn Anh Tuấn, tác giả của ý tưởng mang tính toàn cầu dùng nhạc cổ điển cho Hòa giải và Yêu thương, đã từng sống, làm việc và sáng tạo”.

Gặp giới quyền quí Boston

Từ năm ngoái, anh Nguyễn Anh Tuấn đã sang Harvard nghiên cứu về truyền thông. Khi còn ở Việt Nam, anh đã phát huy hết sở trường về IT và truyền thông, đưa VietnamNet lên tờ báo online hàng đầu. Sang Hoa Kỳ, anh không hề yên phận. Tối 4-11-2011, Nguyễn Anh Tuấn được làm khách danh dự của quỹ Free For All Concert Fund (Âm nhạc miễn phí cho tất cả) do bà Swanee Hunt, phu nhân của nhạc trưởng Charles Ansbacher đã quá cố, làm chủ tiệc chiêu đãi tại nhà riêng của bà.

Đêm ấy, Quỹ Free For All Concert Fund tổ chức một buổi âm nhạc opera và tiệc tối để vinh danh anh Tuấn . Rất tự hào khi biết anh Hà Ngọc Tuấn, chủ tịch của công ty Aveo Pharmaceuticals Inc., gốc Việt cũng là người đồng tổ chức cùng với ông Chủ tịch Global Post , Phil Barboni , một nhân vật lãnh đạo Truyền thông nổi tiếng ở Mỹ. Bà Swanee Hunt, thuộc dòng dõi gia đình danh giá tại Mỹ, từng làm đại sứ Mỹ tại Áo, cùng với chồng Charles Ansbacher, tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển tại Bosnia, Sarajevo, Beirut và nhiều nước sau xung đột và chiến tranh nhằm hóa giải nỗi mất mát.

Hai ông bà Ansbacher đã đến Hà Nội nhân dịp 35 năm kết thúc chiến tranh Mỹ-Việt và xây dựng chương trình nhạc cổ điển với tiêu đề “Hòa giải và yêu thương” do Tổng biên tập VNN chủ xướng. Hôm đó, khách mời gồm khoảng 50 nhà quyền quí của Boston, giáo sư đại học, nhà soạn nhạc, họa sỹ, thương gia giầu có và những nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Tôi may mắn ngồi cạnh Phil Balboni, chủ tịch và người đồng sáng lập của GlobalPost, chủ trang web đầu tiên của Mỹ nhằm cung cấp thông tin từ khắp thế giới.

Tới dự còn có Michael S. Dukakis, từng là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc đua với ông Bush cha năm 1988 và là Thống đốc bang Massachusetts trong vài nhiệm kỳ. Mình bắt tay thì Dudakis tự giới thiệu vui “Tôi là người thua Bush cha”. Mình lầm bầm “Tôi là người VN và chưa bao giờ thua cả hai bố con ông Bush” nhưng không tiện nói. Bà Swanee giới thiệu trang trọng về anh Tuấn, về VietnamNet, những đóng góp cho phát triển Việt Nam và truyền thông thế giới. Ý tưởng dùng âm nhạc để hòa giải và yêu thương đang được thăng hoa tại Havard. Harvard luôn chào đón những ý tưởng mới mang tính sáng tạo và có tầm toàn cầu. Nguyễn Anh Tuấn được ngưỡng mộ là điều không ngạc nhiên. Anh còn một giấc mơ khác về một thế giới truyền thông minh bạch, chỉ viết đúng sự thật và và người viết cần được bảo vệ bởi pháp luật quốc tế.

Kết thúc buổi tiếp đãi, bà Anne-Marie Soullière, chủ tịch sáng lập của công ty đầu tư Fedelity, giới thiệu một đoạn phim đen trắng về Nhà hát giao hưởng Việt Nam, về chuyến đi sơ tán tại làng Xuân Phú trong cảnh B52 tàn phá Hà Nội. Dù chỉ vài phút nhưng đoạn phim đã gửi một thông điệp quan trọng về lịch sử Việt Nam đầy bi tráng, về hòa bình và chiến tranh, về sự mất mát và sự cần thiết cho hòa giải bằng những nốt nhạc. Khỏi phải nói về sự xúc động trong khán phòng, dường như người Boston yêu mảnh đất Đông Dương xa xôi như chính người Việt.

Dòng sông Charles hòa giải và yêu thương

Ngày 9-9 hàng năm được gọi là ngày Hòa giải và Yêu thương (HG&YT) là ý tưởng của Nguyễn Anh Tuấn với mong muốn về một ngày dành cho hòa hợp trên khắp thế giới, được nhiều chính trị gia, học giả, những người thành danh ủng hộ. Tháng 8-2010, lần đầu tiên, buổi hòa nhạc “Hòa giải và yêu thương” được tổ chức tại Boston với mấy nghìn người tham dự. Sự kiện quan trọng này sẽ tiếp tục hàng năm vào mùa hè bên dòng sông Charles, cùng tên với người nhạc trưởng của Boston Landmarks Orchestra.

Chúng tôi về nhà anh Tuấn. Đêm Beacon Hill huyền ảo, những tán lá vàng của mùa thu lấp lánh dưới ánh trăng trong vắt bên cửa sổ của ngôi nhà trên đường Mount Vernon, anh bạn Roland Schatz, người Đức, bỗng nổi hứng chơi piano bài Sonate Ánh trăng của Ludwig van Beethoven. Beethoven viết bản Sonate dành riêng cho cho cô học trò Gräfin Giulietta Guicciardi khi đó mới gần 20 tuổi. Sau này, nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab gọi đó là ánh trăng bên hồ Lucerne nổi tiếng của Thụy Sỹ. Nhân loại bao đời đã yêu Sonate ánh trăng bởi những tiết tấu tha thiết, huyền ảo và lãng mạn của tình yêu đôi lứa.

Nguyễn Anh Tuấn tâm sự, Beethoven, Mozart hay nhiều nhạc sỹ thiên tài đã thành người thiên cổ, nhưng sự nghiệp âm nhạc của họ vẫn sống mãi và vì thế mà họ trở thành bất tử. Trong chiến tranh hay xung đột, người của bên này hay phía bên kia có thể khác nhau về ý thức hệ, nhưng bản nhạc Sonate ánh trăng, thư gửi Elisa, hay Tình ca nàng Solveig… lại có những giá trị chung để hai phía cùng chia sẻ. Hòa hợp, hòa giải và tình thương yêu cũng từ đó mà ra. Trong câu chuyện với Phil Balboni, cựu binh Mỹ từng bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, anh hỏi tôi về Việt Nam và quan hệ với Mỹ. Tôi bảo, ở tầm quốc gia, cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi xa, hai dân tộc Việt Mỹ đã xích lại gần nhau, và đã là bạn.

Tuy vậy, trong lòng nước Mỹ, vết thương vẫn còn hiện hữu. Bản thân Balboni chưa muốn quay lại nơi chiến trường xưa. Và cuộc chiến đang chia rẽ người Việt, dù hòa bình đã được 36 năm. Anh nói thêm, Free for All Concert Fund sẽ giúp cho hòa giải. Lời kêu gọi trên bục hay bài phát biểu với vĩ từ bóng bẩy, khó có thể sánh được với những nốt nhạc không lời nhưng lại nói được rất nhiều.

Với nhiều cảm xúc, tôi chia tay Boston, thủ đô của lịch sử, tri thức, sáng tạo, ivy league và cả của những đôi giầy Bostonian nổi tiếng, nơi đây khởi xướng âm nhạc thính phòng dành cho hòa giải và yêu thương do Charles Ansbacher để lại và tôi tin Nguyễn Anh Tuấn sẽ đưa đi khắp thế gian.

Hiệu Minh. Boston 5-11-2011 (blog Hiệu Minh)

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>