Lịch sử Zippo – Những người đam mê lửa

So với một chiếc bật lửa gaz chỉ hai ngàn đồng thì zippo thực sự là một món hàng xa xỉ. Tuy nhiên, với những người đam mê zippo thì bỏ ra từ vài trăm ngàn cho đến cả chục triệu đồng để mang về nhà một chiếc zippo chỉ dùng để… ngắm là điều bình thường.

Chiếc bật lửa chứa một phần lịch sử

Café 142 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TPHCM từ lâu là điểm tới thường xuyên của hội chơi zippo Sài Gòn. Tại đây, có một quán nhỏ bán zippo, xăng đá và các phụ kiện khác như bút, đèn pin, dao… đều do công ty Zippo Mỹ sản xuất. Mỗi sáng chủ nhật, gần 40 thành viên chơi zippo có mặt tại đây để giao lưu, hoặc hồ hởi thao thao bất tuyệt về một chiếc zippo quý mới được bổ sung vào bộ sưu tập. Quán zippo mở ra chủ yếu để anh em có nơi lui tới… kinh phí cũng chỉ đủ trang trải thuê mặt bằng và cà phê mỗi sáng chủ nhật offline. Anh Hoàng, trạc 50 tuổi, chủ quán zippo được xem là “đàn anh” của hội, tỏ ra vô cùng hào hứng khi nói về niềm đam mê của mình: “Từ nhỏ, tôi đã vô cùng thích thú tiếng leng keng phát ra từ cái hộp quẹt kim loại trông có vẻ thô kệch, sần sùi đó.

634895893258080000 Lịch sử Zippo   Những người đam mê lửa
Những bạn trẻ đam mê Zippo tại quán Zippo 142 Đinh Tiên Hoàng

Năm 1968, trận Mậu Thân nổ ra, nhà tôi ngay trước xa lộ Hàng Xanh súng đạn nổ liên hồi. Khi tiếng súng ngớt, tôi lúc đó mới 8 tuổi, hé cửa ra nhìn thì thấy phố xá tan hoang, đổ nát. Ngay trước cửa nhà tôi có một người lính Mỹ bị thương nặng, mất rất nhiều máu. Không cầm lòng được trước tiếng rên của người lính, cả nhà tôi đưa anh ta vào nhà sơ cứu. Tôi cũng không nhớ rõ người lính đó được đưa đi lúc nào, nhưng tôi vô tình nhặt được chiếc zippo rớt lại trong góc nhà. Trên zippo khắc mấy dòng chữ tiếng Anh, đại ý là xa New York, luôn nhớ tới bố mẹ, các em. Biết đây là kỷ vật quan trọng của người lính, gia đình tôi đã lưu giữ trong suốt nhiều năm trời để chờ ngày được trả lại cho chủ nhân của nó. Thế rồi chiến tranh loạn lạc, tôi lại còn nhỏ tuổi, chiếc zippo thất lạc theo thời gian…”.

Có lẽ nỗi ám ảnh về chiếc zippo của người lính Mỹ đã khiến cả cuộc đời anh cứ mãi đau đáu về những chiếc zippo. Chiến tranh kết thúc, anh đóng một cái tủ sửa bật lửa, bơm xăng thay đá trên vỉa hè kiếm miếng cơm nuôi vợ nuôi con, cũng có lúc mong sẽ tìm lại được chiếc zippo ngày trước. Thời đó, giới sưu tầm nước ngoài “đổ bộ” ồ ạt vào Sài Gòn, tìm mua tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến tranh, và zippo là thứ được săn lùng ráo riết hơn cả. Thời kỳ đói khổ, đang phải chạy ăn từng bữa, người ta để zippo “lính Mỹ” rơi vào túi các tay buôn ngoại quốc với giá chỉ vài đồng bạc, bằng 2-3 tô phở thời bấy giờ.

Những người đam mê ngọn lửa

Người ta chia ra bốn nhóm cơ bản: sưu tầm (collector), buôn bán (seller), sử dụng (user) và biểu diễn (tricker). Đã lăn lộn 2, 3 năm trong giới, tiêu tốn không ít tiền của nhưng Hoàng Dũng, Tùng Duy vẫn tự nhận mình là “lính mới” trong cuộc chơi zippo, “công phu” cũng chỉ ngang mức user và gần… mon men lên cấp collector. Tất nhiên, cấp độ user chỉ là cách gọi, cao hơn hẳn với người mua một chiếc zippo và thường xuyên… quẹt. Mặc dù sở hữu gần chục chiếc zippo nhưng chẳng bạn trẻ nào dám tự nhận mình là collector bởi những collector “thâm niên”, từng lớn lên trong cuộc chiến thường có đến hàng ngàn chiếc zippo qua tay.

Ở Việt Nam, zippo dành cho giới bình dân vào khoảng 300 – 700 ngàn. Cái giá quá đắt so với một dụng cụ đánh lửa thông thường nên theo đuổi được niềm đam mê zippo không hề đơn giản. Đối với giới sưu tầm, những chiếc zippo được săn lùng thường có giá từ vài triệu đồng đến… vô giá, tùy theo nhu cầu của người sưu tầm. Thông thường, những chiếc zippo như vậy ít khi được công khai giá, chủ yếu là do người cần tìm mua biết được và đến tận chủ nhân của nó thỏa thuận giá cả. Đối với zippo “mint” (chưa từng sử dụng), tùy vào thời điểm sản xuất mà có giá dao động từ 2-4 triệu, mặc dù lúc ra đời tại Mỹ chỉ có giá vài chục đô. Giới sưu tầm và buôn bán thường giao thoa với nhau.

Như cửa hàng 142 Đinh Tiên Hoàng, chủ yếu là nơi giao lưu, trao đổi và cung cấp zippo cho những anh em mới bước vào cuộc chơi tốn kém này. Quán mở ra chủ yếu để anh em có nơi lui tới bơm xăng, thay đá… Mục đích chính để tất cả mọi người cùng được thỏa mãn niềm đam mê của mình. Anh Hoàng cho biết, những chiếc zippo thời chiến hoặc được công ty sản xuất giới hạn (limited edition) luôn là niềm tự hào của người sở hữu. Anh đã từng săn… ve chai được một con zippo giá chỉ vài trăm ngàn, khi đưa lên diễn đàn chia sẻ, người ta liên tục trả giá từ 3-5 triệu, khiến anh phải liên tục thoái thác và chẳng bao giờ dám để chiếc zippo đó lộ mặt một lần nào nữa.

Có những thứ “độc nhất vô nhị” như chiếc do một người trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng tướng Nguyễn Cao Kỳ, hay chiếc có khắc chữ ký tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và dòng chữ “From President Nguyen Van Thieu – Republic of Viet Nam” là của độc mà anh chẳng bao giờ bán. Anh nhất định không cho chúng tôi chụp ảnh chính anh, vì: “Thôi, dân chơi thì biết mình rồi. Còn đưa hình mình lên người ta tưởng mình quảng cáo!”. Trong các giới thì tricker rẽ sang một nhánh khác, với tài dùng zippo để quẹt lửa bằng những động tác điệu nghệ đẹp mắt, thường gọi là “múa lửa”. Tất nhiên, để được xem là một tricker phải trải qua quá trình luyện trick gian khổ. Khi đạt đến “cảnh giới”, nhiều tricker có thể “múa” zippo giữa các ngón tay, hay quẹt lửa từ nhiều bộ phận trên cơ thể…

Bùi Khởi, thành viên diễn đàn zippovietnam.net hào hứng khoe kỹ thuật “phù phép” ngọn lửa bằng cách dùng bàn tay lướt nhẹ qua chiếc zippo đang cháy, lửa tắt. Chụm bàn tay lại và búng năm ngón tay về chiếc zippo, ngọn lửa bùng lên trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người.

634895893267300000 Lịch sử Zippo   Những người đam mê lửa
Ngọn lửa Zippo không bao giờ tắt.

Thú chơi sống chậm

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, zippo theo chân hàng ngàn lính Mỹ có mặt khắp nơi từ thành phố, làng mạc cho đến những cánh rừng… Chính vì vậy mà khi nghĩ tới zippo, nhiều người cảm thấy e dè bởi số phận của nó gắn liền tới quá nhiều đau thương, quá nhiều chết chóc. Sau cuộc chiến, zippo nằm lại Việt Nam như những vật chứng chân thực nhất cho một cuộc chiến tranh vô nghĩa của người Mỹ. “Zippo thực sự có ý nghĩa lịch sử nhưng nó chưa được sự công nhận của cộng đồng”, Tùng Long, 19 tuổi, sinh viên trường Đại học Sài Gòn Tech bộc bạch: “Nhiều người nhìn vào giới chơi zippo với ánh mắt không nhiều thiện cảm. Bản thân chiếc zippo không có gì xấu, nó đơn giản chỉ là một dụng cụ đánh lửa, phục vụ cho cuộc sống con người.

Giá trị sử dụng của zippo là ngọn lửa không bao giờ tắt trong mọi điều kiện thời tiết, mọi tư thế. Ngọn lửa biểu hiện cho sự bền bỉ, khát khao được cháy. Đó cũng là giá trị tinh thần mà người dùng zippo ghi nhận. Sở hữu một chiếc zippo chỉ để ngắm nhìn ngọn lửa bền bỉ cháy, một khoảng lặng sống chậm để có động lực hơn trong cuộc sống, dù rất, rất nhiều người trong số họ chẳng bao giờ đụng vào một điếu thuốc”. Bác Nguyễn Cường, 66 tuổi, người lớn tuổi nhất trong hội tâm sự: “Ngọn lửa của chiếc zippo có thể “truyền lửa” lại cho các thế hệ đam mê chơi zippo đi sau”.

Giữa phố xá Sài Gòn bon chen chật chội, một nhóm các bạn trẻ lặng yên ngồi trong quán vắng, lắng nghe nghe tiếng “ting… ting…” và ngắm ngọn lửa mê mẩn màu xanh lẫn vàng, nghĩ về cuộc chiến đã qua, nhìn về tương lai hòa bình. Đó là một góc sống yên ả đầy lắng đọng.

Chiếc zippo đầu tiên ra đời vào năm 1932. Ngày nay, mẫu zippo này được trưng bày trong viện bảo tàng Zippo tại Bradford với dòng chữ viết tay bởi chính cha đẻ của Zippo là George G. Blaisdell : “First Zippo lighter. Do not touch” (Chiếc zippo đầu tiên. Cấm sờ vào hiện vật). Hiện tại có hai chiếc Zippo quí nhất thế giới: một sản xuất cuối năm 1932 hiện đang nằm trong tủ của viện bảo tàng gia đình ZippoCase tại Bradford và cái thứ nhì là Zippo Signet bằng vàng khối 18 karat mà giá được đăng bán vào khoảng trên dưới 3 ngàn đô la. Năm 2007, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập công ty, Zippo đã cho bán chiếc bật lửa đầu tiên năm 1933 với giá 37.000 USD. Cùng với nó là một chiếc bật lửa Zippo năm 1933 khác với đường xiên ở nắp được bán đấu giá trên trang điện tử eBay với mức giá là 18.000 USD.

Lê Quang Minh

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>