Làm gì để giá cả xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ?

Một doanh nghiệp của Tổng công ty Dệt may Việt Nam bán hàng sang Mỹ thấp hơn giá thị trường sở tại. Một luật sư cảnh báo ngay: “Phải điều chỉnh cho bằng giá tại Mỹ, nếu không có thể bị xem là bán phá giá và sẽ bị đánh thuế đặc biệt để nâng giá hàng đó ngang với thị trường”.

635058394847213365 Làm gì để giá cả xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ?

Hiểu biết pháp lý – vấn đề sống còn

Đối với các mặt hàng nhập khẩu, chính phủ Mỹ đã có những quy định rất ngặt nghèo, chỉ một sơ sẩy nhỏ do không am hiểu luật pháp cũng có thể quyết định sự thành bại của một chuyến hàng, thậm chí cả một công ty.

Theo luật sư Ellen Kerrigan Dry, Công ty Russin và Vecchi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để tránh những khó khăn, chậm trễ hoặc chế tài phạt, người nhập khẩu, người bán hoặc người gửi hàng phải cẩn thận trong việc lập hoá đơn hoặc các chứng từ khác khi nhập khẩu hàng vào Mỹ. Mỗi chứng từ phải ghi đầy đủ những thông tin do luật và các quy định yêu cầu. Bất kỳ thông tin nào trong chứng từ được xuất trình cho Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu mà không chính xác hoặc gian lận có thể sẽ gây nên việc hàng hoá bị tạm giữ hoặc người nhập khẩu sẽ bị kiện về giá trị hàng hoá. Trong hoá đơn cần phải ghi rõ nội dung thực sự của giao dịch theo đó hàng hoá được gửi sang Mỹ. Nếu nội dung này không rõ ràng, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu những thuế suất rất nặng.

Ông Michell Fain, chuyên gia nhập khẩu của Cục Hải quan Mỹ, trong buổi “Toạ đàm về các quy định của Hải quan Mỹ trong những mặt hàng dệt may” diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội cho biết, khác với những nước nhập khẩu, ngoài hạn ngạch, hàng dệt may vào Mỹ cần phải có visa. Một visa hàng dệt may là dấu xác nhận trên một hoá đơn hoặc một giấy phép kiểm soát nhập khẩu do chính phủ nước ngoài cấp, được dùng để kiểm soát hoặc để ngăn cấm việc nhập lậu hàng này vào Mỹ. Tuy nhiên, một visa hàng dệt may cũng không đảm bảo cho việc nhập hàng vào Mỹ nếu thời gian hạn ngạch chấm dứt.

Ông Maichell Fain còn cho biết, chỉ cần sai một trong 5 thành phần của visa, visa đó sẽ bị tịch thu và tuỳ theo mức độ sai phạm mà có thể xuất hàng, bỏ hàng hay huỷ hàng ngay trên tàu. Tuy nhiên, với những lô hàng mẫu thương mại được đánh dấu đầy đủ và được định giá dưới 800 USD hoặc các lô hàng cá nhân dưới 24 mẫu sẽ được miễn visa và quota khi vào thị trường Mỹ. Vì thế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể mang hàng tiếp thị trong giới hạn.

Buôn có bạn, bán có phường

Ông Dương Bá Chiến, Tổng giám đốc Công ty Dệt Thắng Lợi, một trong những công ty dệt may đã từng xuất hàng sang thị trường Mỹ nói: “Số lượng một hợp đồng cho thị trường Mỹ thường rất lớn, lại phải giao đúng hạn, đúng tiêu chuẩn. Và, ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, khách hàng Mỹ còn rất khắt khe với các tiêu chuẩn về lao động”. Tiêu chuẩn lao động ở đây là mức lương được trả, điều kiện môi trường làm việc của công nhân – nơi sản xuất ra hàng xuất khẩu. Tăng ca, lương thấp, môi trường lao động cực nhọc đều được coi là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Hàng có tốt, có đẹp hơn nhưng không có nhãn hiệu quen, họ cũng không thử. Đối với mặt hàng không nhãn hiệu thì Trung Quốc đã là “thống soái”, liệu dệt may Việt Nam có cạnh tranh nổi không? Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên kết hợp với một số công ty Mỹ trong việc quảng bá, đóng gói bao bì sản phẩm…

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Dệt May-Vinatex: “Cái thiếu nhất của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là làm thế nào có thể nắm bắt được những thông tin mới nhất, những quy chế, thể lệ, quy định mới nhất tại thị trường Mỹ”. Điều đó chỉ có thể khắc phục khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam có những mối liên hệ với các công ty ở Mỹ.

Ông Dũng cũng cho biết, Tổng công ty Dệt May Việt Nam đã liên doanh với một công ty nước ngoài mở một trung tâm thương mại tại Hongkong nhằm đưa hàng của Vinatex vào thị trường Mỹ. Tổng công ty cũng đang xúc tiến việc mở một văn phòng tại NewYork vào cuối năm 2001. Văn phòng đại diện sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nắm bắt kịp thời các thay đổi về giá cả thị trường, xu hướng mẫu mốt, quy định hải quan, các chính sách thương mại đầu tư của Mỹ; giới thiệu nguồn nguyên liệu, vải chất lượng cao do Việt Nam sản xuất thông qua các showroom và từng bước tiếp cận với các nhà nhập khẩu trực tiếp của Mỹ.

Sẽ phải đầu tư rất lớn

Điểm yếu của ngành dệt Việt Nam là chưa đủ khả năng đáp ứng vải cho may xuất khẩu; số lượng và chất lượng sợi trong nước kém, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải nhập sợi của Trung Quốc. Vì vậy, sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ vẫn phải chiụ những thuế suất cao do tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh về giá kém. Mặt khác, theo ông Dương Xuân Chiến, Tổng giám đốc Công ty Dệt Thắng Lợi, qua những lô hàng xuất khẩu chăn, drap, gối… đầu tiên của Công ty sang Mỹ cho thấy thị trường Mỹ đòi hỏi kỹ thuật rất cao mà hầu hết các công ty dệt trong nước rất khó đáp ứng.

Nếu thị trường châu Á hoặc Việt Nam có thể tiêu thụ được dạng sợi chi số 40 thì thị trường Mỹ đòi hỏi sợi chi số phải từ 80 đến 120. Kỹ thuật in rất khó với giá in bông cao hơn loại thường khoảng 20%. Các dạng in cotton thông thường khách Mỹ không mua, họ đòi hỏi loại in bông ép với hoa văn nổi rõ ở mặt trái. Công ty Dệt Thắng Lợi phải làm đi làm lại nhiều lần mới nắm được kỹ thuật này. Ngay cả các kích cỡ, các thiết bị của ta hiện chỉ sản xuất chăn, drap và gối khổ full và twin, trong khi thị trường Mỹ cần khổ queen và king (các khổ rộng hơn). Muốn làm được các khổ rộng này phải có máy dệt khổ vải đến 3,6m và khổ in hoa 3,4m. Hiện nay, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có loại máy này vì p hải đầu tư rất nhiều tiền.

Vì vậy, để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có một chiến lược đầu tư lớn và đồng bộ, cả về nguyên liệu lẫn thiết bị, công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam tỏ ra khá e dè trong việc đầu tư này. Bởi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ chưa biết bao giờ mới được phê chuẩn, thị trường Mỹ chưa biết đến khi nào mới được khai thông, nếu dốc toàn lực để đầu tư mà thị trường không “mở” thì ai cứu doanh nghiệp đây?

Tất cả đều đưa lên Internet

Theo nhiều doanh nghiệp dệt may đã từng làm ăn với Mỹ, xuất hàng sang Mỹ, đừng nghĩ đến chuyện “lót tay”, mà phải nghĩ đến sử dụng Internet. Giao dịch, hợp đồng đều được xử lý trên mạng. Thậm chí, có thể thành lập một công ty mới tại Mỹ thông qua Internet, bằng fax, mà không cần phải rời Việt Nam. Hệ thống luật pháp Mỹ rất phức tạp, mỗi tiểu bang đều có luật và các khoản thuế riêng, ngoài các luật và các khoản thuế chung. Vì vậy, nhiều công ty Việt Nam khi làm ăn với Mỹ đã phải thuê luật sư với giá rất đắt. Nhưng hiện nay, đã có những trang web mà các doanh nghiệp có thể truy cập qua mạng Internet để tìm hiểu mọi thông tin.

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>