Dân Mỹ lại không đọc thơ Mỹ
Ở Mỹ và Việt Nam mọi người đều thích làm thơ. Riêng tại Mỹ, người ta làm thơ là để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, còn ở Việt Nam, khi sáng tác thơ, nhiều người muốn trở thành nhà thơ”. Đó là phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tại Bàn tròn Văn học giữa các nhà thơ đến từ Trung tâm Viết văn Quốc tế (Đại học Iowa, Mỹ) và các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Buổi thảo luận diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật. Ngồi bàn chủ tọa là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, vừa là người dẫn dắt chương trình, vừa kiêm nhiệm vai trò thông dịch viên cùng các nhà thơ từng nhận nhiều giải thưởng văn học Mỹ như: Jon Davis, Jane Mead, Amy Quan Barry, Eleni Sikelianos, Christopher Merrill. Kín các hàng ghế là các nhà thơ nhà văn Việt Nam như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Việt Chiến, Phan Hoàng, I Ban, Võ Thị Xuân Hà, Trần Quang Quý, Hữu Việt… Trẻ tuổi hơn là nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Nhã Thuyên, Đoàn Văn Mật, Xuân Thủy… Tiếc là số lượng dân sáng tác trẻ đến tham dự buổi giao lưu như theo mong muốn của BTC và đoàn nhà thơ Mỹ lại quá ít. Nhìn quanh khán phòng, hầu như vẫn là những mái tóc đã điểm bạc.
Không có những bài phát biểu dài dòng, không cần cầm giấy đọc, các nhà thơ, nhà văn Mỹ và Việt Nam trao đổi câu chuyện đơn giản, nhẹ nhàng và thẳng thắn, như thể buổi nói chuyện văn chương thường thấy quanh bàn tiệc, tách trà. Vấn đề được các nhà văn nhà thơ trò chuyện sôi nổi là giá trị thơ ca ở mỗi nước, sự tôn trọng, thấu hiểu, yêu quý của người dân dành cho các nhà thơ. Các nhà thơ Mỹ chia sẻ, vì thơ ca Mỹ khó hiểu, chủ yếu viết theo lối truyền thống với giọng văn chương hàn lâm, mặc dầu đã có xu hướng thoát ra khỏi cách thức đó để gần gũi với đại chúng hơn, nhưng nhìn chung thơ ca Mỹ vẫn là khó hiểu đối với người Mỹ. Và sự thật, độc giả Mỹ không đọc thơ Mỹ. Khi các nhà thơ Mỹ bán được vài ngàn cuốn cho một tập thơ, thì kể như đã thành công. Vì vậy, để thơ ca Mỹ tiếp cận hơn với độc giả, các nhà thơ chọn tháng Tư là tháng của thi ca, và dán thơ lên xe bus, lên những chỗ công cộng. Mặc dù cố gắng như vậy, hầu như không một người dân Mỹ nào biết tên các nhà thơ (hiện tại) của mình. Một khảo sát gần đây cho thấy rõ, thời kỳ này, có rất ít người Mỹ chịu đọc sách.
Trước “than thở” của đồng nghiệp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể ngay câu chuyện vui mà có thật với cá nhân ông. Một lần đi massage, khi đắp ngải cứu lên người, một cô nhân viên đã hỏi tên ông. Bởi tếu táo theo thói quen, ông nói, tên là Quang. Cô nhân viên im lặng không nói gì. Một lát sau, chừng như ngẫm nghĩ xong, cô nhân viên nói, lạ thật, có nhà thơ tên là Nguyễn Quang Thiều lại tự nhận mình là Quang. Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm thấy xấu hổ. Từ câu chuyện vui đó, ông kết luận, nhà thơ Việt Nam thì được công chúng biết tới nhiều, ví như nhà thơ Vũ Quần Phương, chỉ cần đi qua một quán bia hay chốn công cộng, thể nào cũng có người gọi tên ông.
“Ngày xưa khi tôi làm thơ lục bát, dễ nghe dễ thuộc thì tôi được nhiều bạn đọc. người nghe thương quý. Nay tôi chuyển sang làm thơ văn xuôi, tù mù quá thì người thương yêu tôi cũng thưa vắng dần đi.” – Nguyễn Quang Thiều hài hước.
An Vũ
Leave a Reply