Chuyện ở Mỹ : Chơi cờ bạc trên đất Mỹ

Đối với nhiều người Việt Nam hiện nay đánh bạc là cái gì đó xấu xa, không tốt. Thế nhưng ở Mỹ đánh bạc lại là một ngành công nghiệp giải trí rất phổ biến. Báo cáo của Ủy ban nghiên cứu chính sách quốc gia về vấn đề đánh bạc của Mỹ (1976) có đoạn: “Đánh bạc là thứ không thể không có. Bất chấp những lời nói và hành động dưới mọi hình thức của cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối, đánh bạc là một hoạt động mà đại đa số người dân Mỹ tham gia hoặc ngầm ủng hộ.”

Mặc dù một số hoạt động đánh bạc phi pháp vẫn tồn tại, đại đa số các hoạt động đánh bạc ở Hoa Kỳ là công khai và hợp pháp. Tuy không phải bang nào cũng có những khu đánh bạc nổi tiếng khắp thế giới như ở Las Vegas hay Atlantic City, nhưng có thể nói hầu hết các bang ở Mỹ đều hợp pháp hóa hoạt động này với mức độ khác nhau. Về mặt kinh tế, đánh bạc có thể coi là mảng quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp giải trí. Năm 1995, doanh thu từ đánh bạc hợp pháp ở Mỹ là hơn 40 tỷ USD, trong khi doanh thu của tất cả các công viên giải trí là 7 tỷ USD, còn doanh thu của các rạp chiếu bóng là 5,5 tỷ. Năm 2006, doanh thu từ đánh bạc lên tới 90 tỷ USD, cung cấp 351,000 việc làm và nộp 5,2 tỷ USD tiền thuế.

634935863879460000 Chuyện ở Mỹ : Chơi cờ bạc trên đất Mỹ
Một dãy máy chơi bạc tự động (Slot machine) rất phổ biến ở Mỹ

Nhiều người cho rằng lợi ích kinh tế là một trong những nhân tố chính thức đẩy các bang hợp pháp hóa đánh bạc. Khi một bang cho phép đánh bạc và thu được những khoản tiền khổng lồ, các bang khác không muốn mất tiền nên cũng theo hiệu ứng domino mà hợp pháp hóa theo. Còn đối với người dân, dù chưa bao giờ có sự nhất trí, xu hướng chung là ngày càng cởi mở và chấp nhận nhiều hơn.

Thật ra, đánh bạc không nhất thiết đồng nghĩa với gian lận như người ta tưởng. Ngược lại, nếu quản lý tốt, nó có thể là một hoạt động giải trí lành mạnh và hấp dẫn. Tôi đã thưởng thức cảm giác đó ở Saratoga Spring vào mùa hè năm 2004. Thành phố nhỏ bé này không chỉ nổi tiếng vì trận chiến quyết liệt trong lịch sử chiến tranh giải phóng của Hoa Kỳ mà còn nổi tiếng vì sòng bạc và đua ngựa. Hàng năm, cứ đến khoảng tháng ba, thành phố đã tấp nập chuẩn bị. Cỏ mới được vun trồng, các trường đua được sửa sang. Ở đây có cả những tờ báo chuyên về đua ngựa. Dân chúng trong thành phố thuộc lòng tên những con ngựa hay, những nài ngựa giỏi. Những con ngựa đua nổi tiếng có thể trị giá nhiều triệu đôla. Người dân chuẩn bị cho những cuộc đua đầy hào hứng. Những gia đình giàu có có hẳn những khu biệt thự gần trường đua, nhưng bỏ không suốt năm, chỉ ngay trước ngày đua mới dọn đến.

Hôm đó, Ban Tổ chức thông báo, những người đến mua vé sớm sẽ được tặng áo phông và mũ. Tôi và hai bố con Jay, người bạn Mỹ, phải để chuông đồng hồ để dạy từ mờ sáng. Nhưng đến nơi, hàng người đã dài hàng cây số, dài hơn cả cảnh xếp hàng mua gạo ở Việt Nam thời bao cấp. Và mặt mũi ai cũng căng thẳng, lo hết quà. Được cái, dòng người di chuyển cũng nhanh. Chúng tôi mua vé hết 3 đô-la và mỗi người may mắn được tặng một chiếc áo và một chiếc mũ vải, kiểu mũ mà các công ty du lịch Việt Nam phát cho khách hàng, vừa để khỏi lạc, vừa để quảng cáo. Người ta dùng một chiếc bút đặc biệt đánh dấu lên tay chúng tôi. Khi đưa tay vào máy soi, chữ phát sáng, người gác cửa sẽ biết rằng chúng tôi đã mua vé. Vì vẫn còn ngái ngủ, tôi và hai bố conJay về nhà làm thêm một giấc, sau đó ăn sáng rồi mới trở lại. Với chiếc vé 3 đô – la, chúng tôi có thể ra vào cửa nhiều lần và vui chơi trong khu công viên giải trí suốt ngày.

Trong công viên, ngoài trường đua ngựa còn có sóng bạc máy tính hóa. Việc cá cược cũng được máy tính hóa. Người chơi có thể cược, chẳng hạn, con ngựa thứ ba sẽ về thứ nhì, với một số tiền và tỷ lệ cược tùy chọn. Tôi đặt cược nhỏ giọt, mỗi lần một đô-la, tỷ lệ một ăn mười lăm. Hai lần đầu mất trắng. Lần thứ ba thắng 15 đô-la. Chơi tiếp. Nhưng đó là lần may mắn duy nhất. Tôi cược nhiều lần nữa, cho đến tận chiều, khi thua sạch số tiền 15 đô-la thắng cược trước đó. Tổng cộng, cả ngày tôi chi hết 6 đô-la nhưng thu nhận được những cảm giác hồi hộp kỳ thú!

Tại sao đánh bạc lại hấp dẫn đến thế! Tại sao đánh bạc lại tồn tại ở mọi nơi và dù có bị lên án và cấm đoán, đánh bạc không bao giờ bị triệt hoàn toàn? Có nhiều cách giải thích, chẳng hạn đánh bạc là trò chơi căng thẳng, với sự hấp dẫn của mối lợi nhanh chóng khổng lồ, …Tôi thì nghĩ, đánh bạc chính là một cách trải nghiệm tính ngẫu nhiên, tính may rủi khôn lường của cuộc đời. Theo nghĩa đó, nếu được tổ chức công bằng và minh bạch, đánh bạc thậm chí có ý nghĩa giáo dục nhân văn. Nó dạy cho người ta biết rằng đừng có bao giờ tuyệt đối tin tưởng và đánh cược đời mình vào một điều cụ thể, một người cụ thể nào. Kinh doanh hay hôn nhân chẳng phải đều là những canh bạc hay sao?

Có lẽ chính vì thế mà rất nhiều nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng ngày xưa thích thú với trò chơi này. Và tôi nhớ, hồi nhỏ, cứ vào dịp Tết là chúng tôi lại được xem người lớn đánh tổ tôm ăn tiền. Lũ trẻ con cũng đánh tam cúc bằng tiền mừng tuổi. Cũng hồi hộp, cay cú, nhưng hết Tết lại trở lại học hành chăm chỉ. Ngày Tết năm nay, chỉ có vài đứa trong lũ bạn ngày xưa có điều kiện gặp lại. Nhắc chuyện đánh tam cúc ăn tiền ai cũng bồi hồi. Chẳng ai nghĩ rằng ngày xưa mình đánh bạc, mà nghĩ rằng cuộc đời đúng là một canh bạc.

Ngô Tự Lập, Tạp chí Việt Mỹ

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>